Làm gì khi cơ quan quản lý nhà nước chậm cấp sổ đỏ?
Trong những rắc rối liên quan đến thủ tục đất đai, việc sổ đỏ bị cơ quan quản lý cấp chậm hoặc “làm khó” là vấn đề khiến nhiều người bức xúc nhất. Vậy người dân cần xử lý thế nào nếu rơi vào tình huống này?
Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/ NĐ-CP quy định: “Thời hạn cấp sổ đỏ không được quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý nhận được hồ sơ cấp sổ đỏ, không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.” Vì vậy, nếu nhà, đất của bạn đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, nhưng bị từ chối tiếp nhận hồ sơ, hoặc cấp sổ đỏ chậm, muộn thì lỗi đó thuộc về cơ quan quản lý và bạn có quyền khiếu nại, khởi kiện bằng cách:
1. Khiếu nại trực tiếp hoặc qua đơn từ
Khiếu nại trực tiếp: Bạn đến Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện, gặp trực tiếp người đứng đầu của cơ quan này để trình bày nội dung khiếu nại. Người tiếp nhận khiếu nại sẽ hướng dẫn bạn viết đơn khiếu nại, hoặc ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu bạn xác nhận vào văn bản đó.
Khiếu nại qua đơn: Làm đơn khiếu nại trong đó ghi rõ các nội dung như tên và địa chỉ của người khiếu nại cũng như bị khiếu nại, thời gian làm đơn khiếu nại, lý do khiếu nại, yêu cầu giải quyết… Đơn này phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ trước khi gửi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đơn khiếu nại sau đó sẽ được thụ lý và xác minh nội dung, tổ chức đối thoại (nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau). Việc đối thoại sẽ được lập thành biên bản. Kết quả đối thoại là một trong những căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Người dân cần nắm rõ quy định pháp luật về việc cấp sổ đỏ để đảm bảo quyền lợi khi thực hiện thủ tục này. Ảnh minh họa: internet
2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân
Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (Theo khoản 2 Điều 33 và Điều 42 Luật Khiếu nại 2011). Trong đó:
Đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính về chậm cấp, từ chối cấp dù có đủ điều kiện hoặc các hành vi tiêu cực khác khi làm Sổ đỏ.
Nơi nộp đơn khởi kiện (Tòa có thẩm quyền) là Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cán bộ, công chức có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính là đối tượng bị khởi kiện. Nói cách khác, tòa có thẩm quyền là Tòa án nơi có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai mà người sử dụng đất nộp hồ sơ cấp Sổ đỏ.
Đối với cá nhân tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở thì hình thức xử phạt nếu chậm cấp sổ đỏ là phạt tiền và mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng.
Còn đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ, nếu cố tình chậm trễ thủ tục này sẽ không bị xử phạt tài chính mà thay vào đó là xử phạt kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm. Các khung xử phạt kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc. Hoặc nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn có thể bị xử lý hình sự và phạt tù.