Bất động sản – “tấm khiên” bảo vệ dòng tiền trước lạm phát

13/12/2021 1959 1959

Bất chấp Covid-19, kiều hối về Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt hơn 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát leo thang buộc người dân tìm đến các kênh đầu tư như bất động sản để bảo lưu giá trị dòng tiền.    

 

Kiều hối tăng cao cùng áp lực lạm phát

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái lên 18,06 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP). Với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, tiếp theo là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây.

Không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Lượng kiều hối tăng bất chấp đại dịch được ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội và việc làm lý giải, do người di cư quyết tâm giúp đỡ gia đình và sự phục hồi kinh tế ở châu Âu, Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.

Cùng thời điểm, theo IMF – Quỹ tiền tệ Quốc Tế, “lạm phát” sẽ là từ khóa chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới. Dòng “tiền rẻ” được bơm ra ồ ạt trên toàn cầu để kích thích đà hồi phục của các nền kinh tế, cộng với những tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua đã đưa lạm phát trở lại với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Với Việt Nam, trong kỳ họp Quốc hội gần nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết áp lực lạm phát năm 2022 là rất cao.

Trước bối cảnh đó, không ít người đang lên kế hoạch để bảo toàn dòng tiền cũng như đón đầu cơ hội gia tăng tài sản trong những năm tới.

Xu hướng đầu tư bất động sản khi “tiền rẻ”

Các chuyên gia dự đoán, nếu lạm phát tăng cao vào năm sau, áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn. Từ quý II/2022 trở đi, khi kinh tế hồi phục trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Trong khi đó, cầu tăng mà nguồn cung chưa phục hồi thì việc tăng giá là điều hiển nhiên.

Nhìn lại diễn biến thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, chỉ số lạm phát cao đã tác động mạnh tới giá bất động sản và tâm lý của các nhà đầu tư. Cụ thể, do lạm phát tăng cao, giá chứng khoán bắt đầu sụt giảm nhanh chóng và rơi tự do. Khi đó, một bộ phận nhà đầu tư thất vọng từ bỏ thị trường này và chuyển hướng sang bất động sản. Cộng hưởng thêm tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao dẫn tới một lượng tiền cũng đổ mạnh vào kênh đầu tư có giá trị vốn hóa lớn này. Lượng tiền lớn đổ vào bất động sản khiến giá nhà đất tăng đột biến, dẫn tới sự bùng nổ trên thị trường nhà đất.

Thực tế, kể từ khi thị trường bất động sản dần tan băng vào năm 2014 đã chứng kiến chu kỳ tăng giá liên tục trong giai đoạn 2016 – 2019. Đáng chú ý, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, giá nhà vẫn leo cao, nằm ngoài dự đoán và kỳ vọng của đại đa số người dân.

Bất động sản Việt Nam được dự đoán không nằm ngoài vòng xoáy tăng giá chưa từng có trước áp lực lạm phát, tương tự các thị trường Mỹ, Hồng Kong, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc,…

Chị Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ, vợ chồng chị từ trước đến nay chưa từng đầu tư bất động sản dù tài chính dư dả. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, hai vợ chồng chị bắt đầu quan tâm đến kênh đầu tư này do nhìn thấy cơ hội, một phần cũng lo ngại sắp tới tiền sẽ bị mất giá.

“Lạm phát cao có thể là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những người sáng suốt. Giả sử, nếu bây giờ mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, lạm phát xảy ra thì giá sẽ tăng lên 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Do đó, gia đình tôi sau khi xem xét kỹ đã quyết định rút phần lớn tiền tiết kiệm để mua hai lô đất thuộc dự án tại Nghi Liên, TP Vinh và Diễn Châu, Nghệ An. Chúng tôi kỳ vọng vài năm sau đất hai khu vực này sẽ tăng giá gấp đôi, gấp ba. Hoặc nếu không muốn bán lại thì cũng có thể giữ hai mảnh đất này để ở hoặc trao lại cho con cháu”, chị Xuân nói.

Về việc nên đầu tư bất động sản ở thời điểm nào để đón đầu xu hướng tăng giá, các chuyên gia cho rằng, điều này thuộc về nghệ thuật cá nhân. Tuy nhiên, vào lúc mọi yếu tố thị trường đều đã khá rõ ràng như hiện nay thì “đi trước đón đầu” là một lựa chọn hợp lý được đông đảo chuyên gia và nhà đầu tư sành sỏi ủng hộ.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI