Quy hoạch sông Vinh hơn 4.400 tỷ đồng có những gì?

23/11/2022 2695 2695

Dự án Nâng cấp, cải tạo sông Vinh được Ngân hàng Thế Giới tài trợ với kinh phí 178 triệu USD (hơn 4.400 tỷ đồng) sẽ đem đến diện mạo mới cho dòng sông huyết mạch, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – du lịch mạnh mẽ cho thành phố.

Sông Vinh có tổng chiều dài 7,3km với ý nghĩa lớn về văn hóa, tinh thần, lịch sử, được xem là “động mạch chính” trong dòng chảy phát triển của thành phố Vinh. Tuy nhiên, dọc hai bên bờ sông Vinh chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như các địa điểm vui chơi, công viên giải trí, toà nhà thương mại… để khai thác được tiềm năng vốn có. Dòng sông được ví như “viên kim cương” bị bỏ quên và cần những “cú hích” để thức tỉnh.

5 vùng quy hoạch “khoác áo mới” cho sông Vinh

Nhận thấy tiềm năng to lớn của dòng sông Vinh đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” gồm có 4 hợp phần. Trong đó hợp phần 3 là Nâng cấp, cải tạo sông Vinh và không gian công cộng. Đây là con sông đầu tiên được Ngân hàng Thế Giới (World Bank) tài trợ với tổng kinh phí 178 triệu USD (tương đương 4.450 tỷ đồng).

Sông Vinh là nguồn “động mạch chính” chảy qua các phường, xã trung tâm thành phố Vinh
Sông Vinh là nguồn “động mạch chính” chảy qua các phường, xã trung tâm thành phố Vinh

Phạm vi lập quy hoạch dự án Nâng cấp, cải tạo sông Vinh rộng khoảng 82ha, gồm 5 phân khu dọc theo hai bên bờ sông Vinh: Khu làng sinh thái, Khu di sản, Khu chợ nổi, Khu nút giao Lê Mao và Khu du lịch tâm linh. Mỗi phân khu được thiết kế những hạng mục xây dựng độc đáo và riêng biệt, hòa quyện với bản sắc vốn có của từng địa điểm, hứa hẹn khai thác tối đa khả năng thu hút du lịch, phát triển kinh tế và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dòng sông.

Dự án nâng cấp, cải tạo sông Vinh trải dài trên 7,3km hứa hẹn thay đổi diện mạo toàn bộ dòng sông
Dự án nâng cấp, cải tạo sông Vinh trải dài trên 7,3km hứa hẹn thay đổi diện mạo toàn bộ dòng sông

Phân khu Làng sinh thái có phạm vi từ Ngã ba sông Vinh đến Cầu đường sắt. Nơi đây vốn là khu vực nước sâu với cảnh quan đồng ruộng, kết hợp vị trí nằm gần công viên Cửa Nam. Chính vì thế, Khu làng sinh thái sẽ tập trung xây dựng các hạng mục như công viên nông nghiệp, đường dạo bộ ven sông, bố trí điểm dừng chân kết hợp điểm cho thuê Kayak, tổ chức tuyến du lịch tham quan và trải nghiệm nông nghiệp, phát triển du lịch trekking và không gian trình diễn nghệ thuật đương đại.

Khu làng sinh thái là nơi trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, chèo thuyền Kayak trên sông
Khu làng sinh thái là nơi trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, chèo thuyền Kayak trên sông

Tiếp nối Làng sinh thái là Khu di sản có phạm vi từ Cầu đường sắt đến Cầu Cửa Tiền. Với vị trí gần các khu tâm linh, các chuyên gia của Ngân hàng Thế Giới đưa ra phương án thiết kế tuyến đi bộ kết nối không gian giữa Nhà thờ giáo và công viên Cửa Nam, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp thưởng ngoạn cảnh quan xanh mát.

Tuyến phố đi bộ hai bên bờ sông tạo điểm nhấn cảnh quan hiện đại tựa một “Singapore thu nhỏ” giữa lòng thành Vinh
Tuyến phố đi bộ hai bên bờ sông tạo điểm nhấn cảnh quan hiện đại tựa một “Singapore thu nhỏ” giữa lòng thành Vinh

Chợ nổi vốn là một nét đặc trưng văn hoá của các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam… Trong quy hoạch, Khu chợ nổi từ cầu Cửa Tiền đến cầu Cao Xuân Huy sẽ giúp tái hiện lại không gian văn hóa “trên bến dưới thuyền”, kết hợp khai thác lợi thế kinh tế bên cạnh chợ Vinh. Hai bên bờ sông sẽ được xây dựng cầu vãn cảnh, bến thuyền nhằm thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán hàng hóa và du lịch đường sông.

Phân khu thứ 4 là Khu nút giao Lê Mao, chạy từ cầu Cao Xuân Huy đến cầu Đen. Đây là nút giao quan trọng đóng vai trò kết nối chặt chẽ hai bờ thành phố cũ và mới. Theo quy hoạch, đây là điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh, đồng thời thưởng thức và mua sắm các sản vật địa phương, góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực, truyền thống thành Vinh trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

Khu nút giao Lê Mao tạo điểm nhấn cảnh quan hút khách kết hợp quảng bá sản vật, văn hóa thành phố
Khu nút giao Lê Mao tạo điểm nhấn cảnh quan hút khách kết hợp quảng bá sản vật, văn hóa thành phố
Phối cảnh hiện đại của nút giao Lê Mao kết nối trung tâm thành phố cũ và mới
Phối cảnh hiện đại của nút giao Lê Mao kết nối trung tâm thành phố cũ và mới

Đối với Khu du lịch tâm linh từ cầu Đen đến cầu Bến Thủy, dự kiến sẽ xây dựng khu công viên du lịch tâm linh núi Quyết – nơi có Thành Phượng Hoàng từng được vua Quang Trung chọn làm kinh đô nước Việt vào thế kỷ 17. Quy hoạch giúp du khách tham gia vãn cảnh chùa có tầm nhìn thông thoáng và bao quát đến các khu vực xung quanh, đồng thời góp phần đưa nơi đây trở thành một trong những điểm “nhất định phải đến” khi ghé thăm thành phố Vinh.

Quy hoạch sông Vinh gắn với du lịch tâm linh tại vùng đất vua Quang Trung chọn làm kinh đô
Quy hoạch sông Vinh gắn với du lịch tâm linh tại vùng đất vua Quang Trung chọn làm kinh đô

Bên cạnh 5 hợp phần khu vực cải tạo trên, quy hoạch sông Vinh chú trọng giữ gìn tối đa không gian xanh, đồng thời mở rộng hệ sinh thái thân thiện, hài hòa, tạo điểm nhấn cảnh quan ở khu vực phía Nam thành phố. Trong tương lai, đôi bờ sông Vinh sẽ trở thành nơi đáng sống bậc nhất tại thành phố và Nam thành Vinh sẽ là “trái tim mới” quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa và là “hồng tâm” thu hút du khách thập phương.

Tìm lại “ánh hào quang” trong quá khứ

Từ xa xưa, sông Vinh đã là nơi “trên bến dưới thuyền” thu hút cư dân thập phương về đây buôn bán, trao đổi hàng hoá. Vào thời Pháp thuộc, ở phía bờ Bắc sông Vinh là nơi chính quyền Pháp đặt toà công sứ. Bên cạnh dòng Vinh giang hình thành chợ Vinh – là trung tâm thương mại, mua bán sầm uất bậc nhất Nghệ An.

Ý tưởng Quy hoạch, cải tạo được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và Ngân hàng Thế giới tài trợ như một “cú hích” thức tỉnh tiềm năng dòng sông, là lời nhắc nhở chính quyền địa phương phải hành động nhằm tìm lại “hào quang” xưa cho dòng sông Vinh huyết mạch.

Với tổng kinh phí “khủng” lên đến hơn 4.400 tỷ đồng cùng sự đồng hành hỗ trợ của tổ chức tài chính quốc tế uy tín và lớn nhất hiện nay, Dự án Nâng cấp, cải tạo sông Vinh được ví như vị “Quân Vương” trên bàn cờ quy hoạch hạ tầng của thành phố Vinh, nắm giữ vị trí quyết định trong sự thành – bại của chiến lược nâng tầm vị thế thành phố.

Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ thổi “làn gió mới” vào bức tranh tổng thể hiện đại, sầm uất của thành phố, đưa sông Vinh “lột xác” thần kỳ sánh vai cùng các dòng sông huyết mạch nổi tiếng tại Việt Nam và trên thế giới, trả dòng sông về với vai trò “động mạch chính” trong thông thương – du lịch – văn hóa như những thời kỳ rực rỡ về trước.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI