Tổng kết 6 tháng đầu năm và “bắt mạch” thị trường bất động sản Hà Tĩnh 6 tháng cuối năm

04/07/2022 1063 1063

Trải qua nửa đầu năm với nhiều biến động, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Tĩnh 6 tháng cuối năm được dự báo có nhiều triển vọng tươi sáng hơn nhờ những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế vĩ mô, du lịch, thu hút đầu tư và niềm tin của người mua BĐS đã quay trở lại.

BĐS Hà Tĩnh “lên xuống” nửa đầu năm 2022

Nhận xét về thị trường BĐS cả nước nói chung trong nửa đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết thời gian qua thị trường có những biến động mạnh, trạng thái thăng trầm liên tục thay đổi. Nguồn hàng khan hiếm cùng nhu cầu lớn khiến cung vượt cầu, dẫn đến việc giá BĐS bị đẩy lên cao là câu chuyện ở nhiều địa phương trên cả nước.

Không nằm ngoài vòng xoáy “sốt ảo”, quý I/2022 thị trường Hà Tĩnh chứng kiến những đợt sốt đất, đẩy giá tăng cao chóng mặt. Tuy nhiên, sốt đất tại Hà Tĩnh tập trung vào khu vực nông thôn, những nơi xuất hiện thông tin rò rỉ về những dự án mới vừa được phê duyệt quy hoạch. Chủ yếu việc tăng giá chóng mặt đến từ “chiêu trò” của một bộ phận “cò đất” khi tham gia đấu giá đất với số lượng lớn và bước giá cao để đẩy giá đất xung quanh, hoặc đi khắp các vùng quê lùng mua đất giá rẻ sau đó trả giá một vài lô với mức cao gấp 5 – 6 lần so với giá thị trường để nâng giá, làm đảo lộn giá trị thực.

Một lô đất đấu giá khởi điểm 900 triệu đồng, trúng đấu hơn 1,7 tỷ đồng, 4 tháng sau được rao bán với giá 3,2 tỷ đồng là chuyện thường gặp trong thời kỳ “sốt đất” tại Hà Tĩnh

Phân tích nguyên nhân khiến thị trường bất động sản “dậy sóng” những tháng đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Hoạch – Trưởng phòng Đất đai 1, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội. “Ăn theo” dự án, các nhà đầu tư bất động sản cũng săn lùng đầu cơ, “lướt sóng”. Ngoài ra, do đầu tư vào các ngành kinh tế khác không hiệu quả khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa thực sự được kiểm soát, bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân lớn nên người dân tìm đến kênh đầu tư bất động sản.

Hệ quả nhãn tiền sau thời kỳ BĐS nóng sốt tại Hà Tĩnh là giao dịch quý II/2022 bắt đầu chững lại do giá đã bị đẩy lên quá cao, vượt quá giá trị thực của sản phẩm và tầm tài chính của người dân. Bên cạnh đó, ngân hàng siết vay tín dụng, chính quyền địa phương và ban ngành chức năng vào cuộc chấn chỉnh khiến cơn sốt đất nền tại Hà Tĩnh có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhiều người chấp nhận bán cắt lỗ vẫn không có người mua.

Giao dịch BĐS trong quý II/2022 tại Hà Tĩnh đã không còn sôi động như trước

Thị trường cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung khi những dự án hút khách như Vinhomes New Center, Thiên Lộc Legend… đều cơ bản đã bán hết. Trong khi đó, những dự án mới khó được thực hiện trong thời gian ngắn bởi các doanh nghiệp địa ốc đều đang gặp trở ngại về nguồn vốn khi cả hai kênh dẫn vốn chính là tín dụng ngân hàng lẫn trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát gắt gao. Không chỉ vậy, kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn.

Dự báo tín hiệu lạc quan trong 6 tháng cuối năm

Trải qua 6 tháng đầu năm với nhiều thăng trầm, các chuyên gia dự báo BĐS Hà Tĩnh sẽ đón nhiều tín hiệu tươi sáng hơn, củng cố niềm tin đưa các nhà đầu tư quay trở lại thị trường giàu tiềm năng.

Cụ thể về kinh tế, nửa đầu năm tỉnh Hà Tĩnh vẫn thu được những kết quả lạc quan bất chấp tình hình dịch bệnh. Tính chung 5 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 8.600 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 15/5/2022 đạt 497 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để kinh tế bứt phá trong 6 tháng cuối năm và đưa nguồn vốn trở lại hoạt động đầu tư bất động sản.

Về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong 2 quý đầu năm 2022, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, có 7 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD. Số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ bằng 25% so với cùng kỳ nhưng số vốn gấp 1,3 lần cho thấy Hà Tĩnh vẫn đang là “miền đất hứa” được các ông lớn quan tâm, hứa hẹn thiết lập nên mặt bằng giá mới cho BĐS khi các dự án được khởi động. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, nguồn vốn vào thị trường BĐS cũng sẽ được cải thiện tăng trở lại.

Trước mắt trong năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đang phấn đấu thu hút khoảng 150 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 triệu USD, trong đó vốn FDI khoảng 2.000 triệu USD. Những dự án có khả năng chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Nhà máy sản xuất ô tô, linh kiện, Dự án đầu tư cảng biển và Logistic, Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh; Quần thể sân Golf, trung tâm hội nghị, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp…

Hà Tĩnh hiện thu hút nhiều tập đoàn đầu tư lớn như Onsen Fuji, Ecopark, Vingroup, Crystal Bay…

Du lịch khởi sắc cũng đóng vai trò không nhỏ cho hoạt động BĐS, đặc biệt với các dự án, sản phẩm BĐS gắn với du lịch.

Số liệu cho biết chỉ trong 4 ngày lễ dịp 30/4 và 1/5/2022, Hà Tĩnh đã đón gần 9,7 vạn lượt khách, trong đó có 14.000 lượt khách lưu trú, 348 lượt khách quốc tế. Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh đạt 69%, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trước đó và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuần lễ hội du lịch biển được Hà Tĩnh tổ chức cuối tháng 4/2022 cũng đã thu hút đông đảo khách du lịch, tạo sự sôi động cho thị trường. Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh Lê Trần Sáng, các hoạt động khai trương du lịch biển năm 2022 là lễ hội có quy mô cấp tỉnh lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Lễ hội đã thu hút hàng vạn du khách khắp mọi miền đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Du lịch trở lại sẽ là một trong những lực đẩy quan trọng cho BĐS Hà Tĩnh

Liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản thời gian qua, các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững cùng các dự án sở hữu giá trị thực thì sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Còn chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về khía cạnh người mua nhà, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.

Những dự án quy mô, đầy đủ pháp lý và hạ tầng, giàu tiện ích tại khu vực đã phát triển sẽ thu hút người mua. Ảnh thực tế dự án Thiên Lộc Legend (Thiên Lộc, huyện Can Lộc)

Về xu hướng BĐS cuối năm, giới chuyên gia cho rằng thị trường đang trong giai đoạn thanh lọc nên phương án đầu tư an toàn sẽ lên ngôi, nghĩa là các nhà đầu tư sẽ để ý đến các sản phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng, pháp lý rõ ràng, thanh khoản tốt và có tiềm năng khai thác kinh doanh lâu dài. Những BĐS này cần được đặt tại nơi có mật độ dân cư tương đối cao và đầy đủ tiện ích cơ bản như đường xá, trường học, chợ – siêu thị, trung tâm y tế, khu vui chơi giải trí…, mang lại giá trị sống thực và đầu tư thực. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp và du lịch cũng dự báo sẽ lên ngôi để nắm bắt làn sóng mở cửa du lịch và thu hút chuyên gia từ các khu công nghiệp của Hà Tĩnh.

Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản may mắn hơn các ngành nghề khác bởi nhu cầu đầu tư và tìm kiếm nhà ở của người dân vẫn luôn thường trực trong mọi bối cảnh. Do đó, dòng tiền vẫn tích cực đổ vào lĩnh vực này như một kênh đầu tư và tích trữ tài sản hiệu quả. Đối với bất động sản Hà Tĩnh, quỹ đất dồi dào nhưng số lượng dự án còn khan hiếm cùng giá đất còn nhiều dư địa phát triển đã giúp thị trường này chinh phục được đông đảo người mua ở và nhà đầu tư.

Nhìn chung, BĐS Hà Tĩnh trong 6 tháng cuối năm sẽ là cột mốc đưa thị trường sôi động trở lại sau thời gian dài thanh lọc và điều chỉnh. Dự báo sắp tới thị trường sẽ còn phát triển mạnh mẽ, vững vàng và bền vững hơn, mang kỳ vọng của các nhà đầu tư “cất cánh”.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI