BẤT ĐỘNG SẢN TP VINH: GIÀU TIỀM NĂNG NHƯNG THIẾU DỰ ÁN
Được đánh giá là một trong những thị trường bất động sản giàu tiềm năng nhất khu vực Bắc Trung Bộ, song TP Vinh lại đang gặp tình trạng thiếu nguồn cung các dự án đồng bộ, khiến nhà đầu tư “mỏi mắt” tìm chỗ “đậu”.
Tiềm năng dẫn đầu thị trường Bắc Trung Bộ
Khi bất động sản các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… dần trở nên bão hoà, nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển sang những tỉnh thành có nhiều tiềm năng bứt phá và lợi thế phát triển. TP Vinh (Nghệ An) trở thành một trong những thị trường được quan tâm hàng đầu với hạ tầng, kinh tế, xã hội đều trên đà bắt kịp những thành phố lớn.
Sở hữu vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông Bắc Nam trọng yếu, TP Vinh có hệ thống hạ tầng hoàn thiện ở mọi loại hình, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Tiêu biểu có thể kể đến dự án sân bay Vinh được mở rộng lên sân bay quốc tế, ga đường sắt hạng I và quy hoạch bến cảng Cửa Lò với 4 cảng lớn đảm bảo vai trò vận tải hàng hóa các tỉnh Bắc Trung Bộ, Lào và Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, định hướng quy hoạch các tuyến phố xương sống trong hành lang kinh tế của tỉnh đã và đang tạo ra dấu ấn về cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, trở thành nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản.
Đại lộ 72m Vinh – Cửa Lò là một trong những lực đẩy hạ tầng quan trọng cho thành phố
TP Vinh càng có thêm lợi thế khi trong Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023. Để thực hiện quyết định, TP Vinh đã và đang tổng lực phát triển tất cả các lĩnh vực như tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; du lịch; khoa học - công nghệ; hạ tầng; bất động sản...
Về kinh tế - du lịch và đầu tư, thành phố luôn giữ vững vai trò là đầu tàu tăng trưởng của tỉnh Nghệ An với tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 8,62% trong giai đoạn 2016 – 2020, giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt 25.900 tỷ đồng, từng bước hình thành đầu mối tập kết, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Bình quân mỗi năm TP Vinh đón khoảng 1,9 triệu lượt khách; Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,1%. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 có 52 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn hơn 7.900 tỷ đồng, ngày càng nâng cao vị thế của thành phố.
TP Vinh là thị trường bất động sản sôi động chỉ sau các thành phố lớn…
Việc sở hữu nền tảng đồng bộ về mọi mặt đã nhanh chóng thúc đẩy bất động sản TP Vinh sôi động và sầm uất. Tiêu biểu trên các tuyến phố trọng điểm trong nội đô như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung…, những công trình văn hoá, giáo dục, những dự án phục vụ an cư, lưu trú, du lịch… lần lượt được xây dựng, biến thành phố thành tâm điểm sinh hoạt, làm việc, vui chơi giải trí của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, nâng tầm giá trị bất động sản, khiến nhà đất nơi đây càng được săn đón mạnh mẽ.
Thừa cầu – thiếu cung các dự án đồng bộ
Sở hữu tiềm năng phát triển lớn nhưng trung tâm TP Vinh lại đang đối mặt với tình trạng thiếu các dự án lớn để vừa phục vụ an cư và đầu tư. Theo thống kê, vùng lõi thành phố chỉ có khoảng trên dưới 20 dự án thực sự chất lượng, là con số quá nhỏ so với nhu cầu của hàng nghìn người dân thuộc tầng lớp thượng lưu và “làn sóng” nhà đầu tư đổ về từ cả nước.
Trong khi đó, sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn bất động sản như Vingroup, Mipec, T&T… đã tạo nên những “cơn sốt” đất không ngừng tại vùng lõi thành Vinh. Cụ thể, hiện tại đất dự án ở các phường trung tâm như Trường Thi, Lê Mao, Hưng Bình, Đội Cung… có giá dao động từ 15 đến 30 triệu/m2, thậm chí có nơi từ 80 - 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí,ngang với các thành phố lớn; tăng giá gấp 2 – 3 lần chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên rất ít giao dịch được thực hiện bởi khó tìm ra người bán.
Một trong những dự án hiếm hoi đang mở bán nằm trên mặt đường Lê Hồng Phong
Không chỉ vậy, năm 2020 với chính sách hạn chế việc cấp phép xây dựng các dự án mới cũng như điều chỉnh quy hoạch một số dự án có sẵn, nguồn cung bất động sản TP Vinh dự báo càng trở nên thu hẹp trong vài năm tới.
Vì quỹ đất là bất biến nên các chuyên gia nhận định những dự án có sẵn hiện tại, đang được mở bán trên thị trường có thể là một trong những dự án cuối cùng “may mắn” có được vị trí trung tâm TP Vinh. Trong vài năm tới, nhà đầu tư muốn xuống tiền sẽ phải lặn lội đến các khu vực quanh vùng lõi như Quán Bàu, Nghi Kim, Nghi Liên… để tìm kiếm cơ hội.
Những yếu tố vi mô và vĩ mô kết hợp khiến cán cân cung – cầu tại thị trường bất động sản trung tâm TP Vinh càng có sự chênh lệch lớn. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư nhanh nhạy thì năm 2021 vẫn được xem là cơ hội lớn để sở hữu và hưởng lợi từ những sản phẩm cuối cùng còn sót lại tại vị trí đắc địa của thành phố, trước khi nguồn cung các dự án trung tâm thực sự cạn kiệt.