Giá nhà đất sau dịch: "Không có sung rụng để mà chờ"

29/04/2020 1941 1941

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cho mọi hoạt động bất động sản... "đứng hình". Nhiều người lo ngại, sau khi dịch bệnh đi qua, giá bất động sản sẽ có nhiều biến động.

Giá vẫn vậy

Với việc dịch Covid - 19 bùng phát kể từ sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư buộc phải hoãn rất nhiều kế hoạch xuống tiền vào thị trường bất động sản. Kéo theo đó thị trường cũng trở nên 'đứng hình' và đang chờ ngày khởi sắc trở lại.

Bên cạnh đó, không ít nhà đầu có tâm lý chờ giá bất động sản giảm để tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời. Thế nhưng, thực tế đang cho thấy một chiều hướng không như mơ.

Qua ghi nhận, tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, giá bất động sản từ đất nền đến căn hộ không có nhiều biến động. Thậm chí, tại một số khu vực giá vẫn giữ nguyên như cũ và các công ty chỉ ưu đãi cho khách hàng thêm quà tặng khi xuống tiền sớm.

Điển hình, giá đất huyện Long Điền vẫn dao động ở mức từ 8 – 15 triệu đồng/m2 và từ 15 – 30 triệu đồng/m2 ở khu vực TP.Vũng Tàu. Hoạt động giao dịch và quan tâm của khách hàng vẫn cao.

Tương tự, ở thị trường Long An, giá bất động cũng không có nhiều biến động. Một công ty chuyên bán đất nền ở Long An cho biết, những dự án bán chưa hết trước đây vẫn được tiếp tục bán và giữ nguyên mức giá như cũ, chỉ hỗ trợ khách hàng về phương thức thanh toán. Qua đó, mức giá giao động từ 14 – 18 triệu/m2

Tại thị trường Bình Dương, đây được xem là khu vực sôi động nhất ở khu vực vùng ven Sài Gòn. Từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường này vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp địa ốc vẫn liên tục bung ra nhiều dự án. Tại một số khu vực ở tỉnh Bình Dương mức giá dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2.

Còn khu vực tỉnh Đồng Nai, đây được xem là thị trường im hơi lặng tiếng nhất trong số các khu vực vùng ven Sài Gòn. Theo đó, với việc siết chặt các quy định về tách thửa ở tỉnh Đồng Nai nên dự án không nhiều như trước. Ở nhiều khu vực mức giá vẫn dao động trên 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chỉ diễn ra đơn lẻ không quy mô như trước kia.

“Tâm lý nhà đầu tư vẫn luôn tin rằng giá bất động sản sẽ giảm mạnh do dịch Covid -19 nên nhiều người chọn cách ngồi chờ thời. Nhìn nhận một cách thực tế thì việc bất động sản giảm sẽ rất khó, vì chi phí các doanh nghiệp bỏ vào dự án thường rất lớn nên việc chờ giá giảm sâu để nhảy vào đầu tư thì không nên. Không có sung rụng nên đừng nằm chờ", anh Hồ Phương, một nhà đầu tư chia sẻ.

Theo anh Phương, thị trường Bình Dương, mức giá không giảm mà đang cho thấy dấu hiệu tăng khi nhiều doanh nghiệp bung hàng. Các doanh nghiệp cũng đang cạnh tranh giá quyết liệt ở phân khúc chung cư.

Khan hiếm nguồn cung

Báo cáo của Công ty DKRA Việt Nam ghi nhận, trong quý 1/2020, phân khúc đất nền chỉ có 3 dự án mới ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so quý trước (khoảng 677 nền) và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Phân khúc căn hộ, trong quý 1/2020 toàn thị trường có 7 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ 2019. Ở phân khúc nhà phố và biệt thự cũng chỉ có 8 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn, chỉ giảm 9% so với quý trước nhưng tăng đến 132% so với nguồn cung cùng kỳ 2019.

“Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn. Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên chúng tôi không thể nhận định giá đã xuống đáy hay chưa”, phía DKRA cho hay.

Còn Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, cả quý 1/2020 chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 2.800 căn. Trong đó, có 2.700 căn hộ chung cư và 80 căn nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 70% so với quý trước.

Nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá bất động sản nói chung không giảm như kỳ vọng của rất nhiều người dù dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động bán hàng, quảng cáo, truyền thông của nhiều doanh nghiệp đều tạm dừng. Dù không giảm giá do khan hiếm nguồn cung, tuy nhiên ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều chủ đầu tư cũng đưa ra các chính sách kích cầu mùa thấp điểm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA: “Thay vì giảm giá, đã có những tập đoàn và doanh nghiệp đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu, hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho người mua nhà…Tạo điều kiện để khách hàng tìm một chỗ an cư…”.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI