Tranh thủ thời cơ, đưa TP. Vinh phát triển

29/09/2020 1555 1555

Quyết định số 827/TTg về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng giúp thành phố Vinh phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần...


Thi công tuyến đường Lê Mao kéo dài sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị Vinh. Ảnh: Lâm Tùng


Những năm qua, với nhiều chính sách quan trọng của Trung ương, sự quan tâm của tỉnh, thành phố Vinh đã tập trung huy động nguồn lực, các nguồn vốn quốc tế như WB để chỉnh trang đô thị, đầu tư hệ thống tiêu thoát nước, cải tạo kênh Bắc, hào Thành cổ, xây dựng Hồ điều hòa, xây dựng hạ tầng giao thông đô thị.
Về hạ tầng kết nối được đầu tư: Nâng cấp, mở rộng cảng Cửa Lò thành cảng biển quốc tế; nâng cấp mở rộng sân bay Vinh giai đoạn 1; quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế; xây dựng cầu Bến Thủy II, cầu Cửa Hội, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò; quy hoạch sắp xếp lại hệ thống bến xe: Bến xe miền Trung; Bến xe phía Bắc; đầu tư đưa vào sử dụng một số đường gom đường bộ, đường sắt và hệ thống cầu vượt đường sắt; Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh… 


Đường 72m đã thông từ huyện Hưng Nguyên đến ngã 5 Quán Bàu (TP Vinh). Ảnh: Trân Châu


Tuy nhiên, thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng giao thông, tiêu thoát nước đang tồn tại nhiều bất cập, ngập lụt còn xảy ra khá nghiêm trọng khi mưa lớn; hạ tầng đấu nối giữa các dự án với hạ tầng chung chưa tốt; nhiều dự án lớn cần nguồn vốn lớn chưa thể thực hiện. Bởi vậy việc ra đời của Quyết định 827/TTg của Thủ tướng chính phủ về Đề án phát triển TP. Vinh thành trung tâm kinh tế văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để tranh thủ thời cơ thu hút đầu tư phát triển thành phố. 
Chủ tịch UBND TP. Vinh, ông Trần Ngọc Tú cho biết: Thành phố đang chủ động phối hợp, tham mưu Sở Nội vụ xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh theo quy hoạch được duyệt. Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Vinh, Chương trình phát triển đô thị thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tổ chức lập quy hoạch chi tiết (1/500) hai bên Đại lộ Vinh - Cửa Lò (khu vực Thành phố); hai bên bờ sông Vinh; các khu vực có thế mạnh phát triển đô thị tại xã Nghi Ân, Nghi Phú, Nghi Đức, Hưng Lộc, Hưng Hòa... Tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 một số dự án mũi nhọn theo lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thương mại dịch vụ: Trường THCS Đặng Thai Mai, Trung tâm triển lãm, hội chợ cấp vùng, Khu lâm viên Núi Quyết, Cụm công nghiệp Hưng Đông 2, chợ Vinh, chợ Quán Lau…



Không gian đô thị Vinh về phía Nam. Ảnh: Lâm Tùng


Về cơ sở hạ tầng, ông Trần Ngọc Tú cho biết: Thành phố sẽ tập trung huy động các nguồn lực triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách và có sức lan tỏa, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch và các công trình.

Cụ thể: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Vinh; nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 535 (Vinh - Cửa Hội); các tuyến giao thông nội thị huyết mạch (Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, Lê Mao kéo dài, Trần Hưng Đạo kéo dài, Lý Thường Kiệt, đường bao phía Tây, Lê Ninh…); tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và hạ ngầm hệ thống đường dây điện các tuyến đường chính; cải tạo hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường chính, xây dựng các bãi đậu xe, cầu đi bộ, cầu vượt...

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương trên cơ sở xây dựng 10 trung tâm vùng tại Quyết định số 827/QĐ-TTg để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 các dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; trong đó ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông và hạ tầng đô thị lớn, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực, như: Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố, Tỉnh lộ 535 (Vinh – Cửa Hội); cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh đồng bộ tuyến đường từ sân bay Vinh đến khu vực xung quanh Quảng trường Hồ Chí Minh; xây dựng đô thị thông minh...
Chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành chức năng và cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát đầy đủ, cụ thể các dự án không khả thi, chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai để thu hồi, tạo nguồn lực cho tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư khác thực hiện khai thác, đầu tư.



Khung cảnh trên đỉnh núi Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn - Thanh Phúc


Thành phố cũng mong muốn HĐND tỉnh thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 (thay thế Nghị quyết số 278/2009/NQ-HĐND), ưu tiên vận động nguồn vốn ODA trên địa bàn thành phố, trước tiên là dự án "Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An". Chủ động bố trí nguồn vốn GPMB để tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án đầu tư.
Đường Lê Mao kéo dài được xác định là “đường chiến lược” nhằm kích cầu sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam TP. Vinh.  Dự án đường Lê Mao giai đoạn 2 của TP. Vinh chính thức được UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt đầu tư vào ngày 4/8/2005; có chiều dài 1.197m, điểm đầu giao với đường Trần Phú, điểm cuối giao với đường ven sông Vinh. Hiện dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng và một số cơ chế chính sách liên quan.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI