Xu hướng đầu tư dự án quay lại thị trường bất động sản Hà Tĩnh
Sau cơn sốt đất cục bộ tại khu vực nông thôn, thị trường bất động sản Hà Tĩnh dần trở lại trạng thái ổn định. Đồng thời, dòng tiền từ các nhà đầu tư cũng có xu hướng quay lại các dự án bất động sản lớn, được đầu tư đồng bộ và hiện đại.
Sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư “bỏ cọc”
Trong quý IV/2021 đến đầu quý I/2022, Hà Tĩnh liên tục xảy ra các đợt sốt đất cục bộ làm chao đảo thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, lợi dụng thông tin về quy hoạch một số dự án, giới đầu cơ, “cò đất” đổ dồn về “thổi giá” khiến cho đất đai ở nhiều vùng quê trên địa bàn tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, bước sang thời điểm từ tháng 5 đến nay, với việc chính quyền đã có những động thái quyết liệt nhằm ổn định thị trường, tình hình sốt đất đã bắt đầu lắng dịu. Kéo theo đó, nhiều nhà đầu tư đã “bỏ cọc” khi không thể “lướt sóng” thành công.
Anh T.V.T, một chủ doanh nghiệp thầu xây dựng ở Hà Tĩnh cho biết: “Đầu năm 2020 tôi có đầu tư 4 lô đất nền ở các xã ven thành phố, đợt tháng 3/2022 có khách trả chênh mỗi lô 500 -700 triệu đồng nhưng không bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng thời gian gần đây muốn bán nhưng cũng không “ra” được hàng”.
Hình ảnh trái ngược trước và sau sốt đất tại xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà)
Chị Linh, làm việc tại một công ty đấu giá đất ở Hà Tĩnh cho hay, thời gian gần đây số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất giảm rõ rệt, thậm chí nhiều người còn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch. Một số xã trên địa bàn huyện tổ chức đấu giá đất không có người mua hoặc đấu giá đất thành công nhưng lại lo các nhà đầu tư “bỏ cọc”…
Qua tìm hiểu cho thấy, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư bằng vốn tự có thì không bán cắt lỗ, giảm giá trong thời gian này. Tuy nhiên trong trường hợp nhiều người phải vay ngân hàng nhưng đang bị “chôn” vốn tại bất động sản, muốn bán cắt lỗ nhưng cũng rất khó.
Tình trạng bỏ cọc cũng một phần bởi giá khởi điểm đấu giá đất ở một số địa phương quá cao. Cuối tháng 1/2022, UBND huyện Đức Thọ thông báo đấu giá quyền sử dụng đất 9 lô đất tại xã Lâm Trung Thuỷ với mức khởi điểm lô 2 mặt tiền, diện tích 262,21m2 được kêu giá khởi điểm là 4,7 tỷ đồng, 8 lô còn lại, có cùng diện tích 160m2/lô, kêu giá khởi điểm là 3,5 tỷ đồng. Phiên đấu giá diễn ra nhưng không có hồ sơ tham gia vì giá khởi điểm quá cao.
Tại xã Lâm Tân Hương, huyện Thạch Hà và khu dân cư quy hoạch tại TP. Hà Tĩnh một số lô đất giá khởi điểm gần 5 tỷ đồng và tổ chức các phiên đấu giá nhưng người tham gia trả giá cũng rất “nhỏ giọt”….
“Kết quả trúng đấu giá dự án quỹ đất cao chót vót đã ảnh hưởng đến giá đất khu vực lân cận, khiến cho sốt đất càng tăng lên. Nhưng khi các đợt đấu giá đất bị tạm dừng, việc mua bán đất bị chính quyền địa phương rà soát kỹ về giá bán đã khiến sốt đất hạ nhiệt. Giới đầu tư nhận thấy cơ hội “lướt sóng” không còn nữa nên họ sẽ rút đi”, một nhà đầu tư lý giải.
Vẻ yên bình đã quay trở lại với những làng quê
Xu hướng đầu tư dự án bất động sản quay trở lại
Trên thực tế, việc giới đầu tư rút lui khỏi thị trường đất nông thôn tại Hà Tĩnh đã được nhiều chuyên gia dự báo trước đó. Đây là hệ quả tất yếu của việc giá đất tại các địa phương trong một thời gian ngắn bị các “cò đất” và giới đầu cơ thao túng, đẩy lên quá cao so với giá trị thật.
Các chuyên gia nhận định, so với các dự án bất động sản do doanh nghiệp đầu tư tại các đô thị, phân khúc đất nền nông thôn thua kém về hệ thống cơ sở hạ tầng và các tiện ích đi kèm, do đó thường chỉ phù hợp với nhu cầu định cư của người dân bản địa hơn là nhu cầu đầu tư. Trong tầm trung và dài hạn thì phân khúc đất nền nông thôn cũng rất khó gia tăng được giá trị.
Các dự án được đầu tư đồng bộ, có chủ đầu tư uy tín quay trở lại thống lĩnh thị trường
Dựa vào thị trường hiện tại, các chuyên gia đánh giá, sau khi sốt đất nông thôn lắng xuống, dòng tiền của nhà đầu tư đã có dấu hiệu quay trở lại với các dự án bất động sản lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Điều này được chứng thực khi lượt tìm hiểu và giao dịch của các dự án bất động sản lớn như Thiên Lộc Legend, Vinhomes New Center Hà Tĩnh… tăng đột biến trong thời gian gần đây. Các dự án này cũng ghi nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh.
Nhiều nhà đầu tư lâu năm cùng chung nhận định, khi thị trường được kiểm soát chặt chẽ và đúng hướng từ chính quyền địa phương, tính minh bạch của thị trường sẽ tăng lên. Trong trạng thái ấy, chỉ những dự án nào hội tụ đủ các yếu tố vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, tiện ích – pháp lý đầy đủ, khả năng gia tăng giá trị trong trung hạn, dài hạn thì mới thu hút được khách hàng và nhà đầu tư.
Đó cũng là lý do giới đầu tư rút đi khỏi các khu vực nông thôn và quay về lựa chọn các dự án bất động sản lớn ở trung tâm. Đó cũng là xu hướng “thuận tự nhiên” đã phát triển lâu dài tại những thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…, với những “giá trị thực” mang lại cho nhà đầu tư như khả năng an cư, kinh doanh và sinh lời chắc chắn.
Những động thái của chính quyền Hà Tĩnh gần đây như siết chặt các quy định về phân lô tách thửa, đấu giá đất; rà soát tình trạng kê khai “hai giá” trong giao dịch bất động sản; công khai quy hoạch và đưa ra những cảnh báo về tình trạng sốt đất ảo đối với người dân… sẽ là các giải pháp căn cơ để đưa thị trường bất động sản trở lại trạng thái ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển bền vững, lâu dài.