Đô Lương sẽ trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của miền Tây Nghệ An

07/12/2019 2965 2965

Là huyện trung tâm của vùng, tiếp giáp với 6 huyện xung quanh và có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như con người thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội…

Đô Lương có địa hình tương đối bằng phẳng, chế độ thủy văn và nguồn nước dồi dào, cơ bản hài hòa, phân bố rộng khắp. Trên địa bàn có cả giao thông đường bộ và đường thủy, thuận lợi cho giao lưu trao đổi hàng hóa. Nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí tương đối cao, nhân dân cần cù lao động sản xuất và nhạy bén với cơ chế thị trường.
 
Căn cứ vào những nguồn lực và lợi thế của địa phương, huyện Đô Lương xác định: Phát triển công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
 
Ảnh thị trấn Đô Lương
 
 
Tốc độ tăng trưởng liên tục tăng qua các giai đoạn: 2001 – 2005 là 9,84 % và giai đoạn 2006 – 2008 là 14,05%. Ngành công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng GTTT bình quân đạt khá, bình quân giai đoạn 2001 – 2005 là 12,43%, giai đoạn 2006 – 2008 là 14,72%; Thương mại – Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng GTTT bình quân cao nhất là: giai đoạn 2001 – 2005 với 18,46%, cả giai đoạn đến 2008 ước đạt 20,14%. Xét về tốc độ tăng trưởng GTTT bình quân giai đoạn 2001 – 2008 của huyện Đô Lương tăng khá (11,40%), cao hơn mức bình quân của cả tỉnh (10,25%). Trong đó, ngành KTQD ngành thương mại – dịch vụ có mức độ đóng góp vào tăng trưởng GTTT chung của huyện lớn nhất với 20,14%/năm, tiếp đến là ngành CN, TTCN và XDCB (13,28%).
 
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện đang chuyển dịch tích cực, đúng hướng với tỷ lệ nông – lâm nghiệp giảm dần còn 35,96%, thương mại – dịch vụ năm 2008 tăng lên 20,20% so với 14,81% năm 2000; ngành thương mại – dịch vụ tăng lên 43,04%; cơ cấu kinh tế lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2008 đạt 64,04%.
 
Trao đổi với TTTM News, ông Trương Hồng Phúc – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi, chúng tôi đã đề ra những biện pháp cụ thể để không ngừng đưa kinh tế – xã hội huyện nhà phát triển. Và rất đáng mừng, nhờ sự quan tâm của cấp trên, những đường lối, chính sách đã trực tiếp được áp dụng có hiệu quả được biểu hiện qua những chuyển biến đáng mừng của nền kinh tế, mà đặc biệt là sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu các ngành nghề. Năm 2006 UBND đầu tư xây dựng Khu CNN Thị trấn với diện tích 7,8ha đã thu hút 13 doanh nghiệp đầu tư, tại xã Thượng Sơn đầu tư xây dựng CNN tập trung với diện tích 1,1ha, đã có 5 hộ gia đình đầu tư sản xuất.
 
Trên địa bàn huyện Đô Lương có nhiều nghề TTCN truyền thống đã mạng lại giá trị thu nhập tương đối lớn cho một bộ phận nhân dân như nghề bánh đa, kẹo lạc, nghề bánh bún, ươm tơ, nghề mộc, nồi đất, gạch ngói…Thời gian qua, sự phát triển của làng nghề đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo. Đến thời điểm hiện nay Đô Lương đã được tỉnh công nhận hai làng nghề. Ngoài ra, ngành dịch vụ giao thông vận tải thời gian qua cũng được nâng lên đáng kể và không ngừng tăng qua các năm. Hiện nay, ngoài các thành phần kinh tế Nhà nước, các thành phần kinh tế cá thể cũng ngày càng tham gia nhiều vào dịch vụ này. Hoạt động của lĩnh vực vận tải đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.
 
 
Là địa phương có truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời còn lưu giữ lại nhiều di tích có giá trị cao, cho nên ngoài CN – TTCN – XDCB, Đô Lương đã và đang cố gắng khai thác những tiềm năng và lợi thế du lịch với các hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh, đền chùa cổ xưa như Đền Qủa Sơn, Suối nước nóng Giang Sơn, cụm di tích Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn…Cơ sở vật chất ngành du lịch ngày càng được cải thiện cộng vào đó là lòng mến khách của đất và người Đô Lương nên lượng du khách từ năm 2001 đến nay liên tục tăng với tốc độ cao (Năm 2008 có 28.300 lượt khách đến tham quan du lịch), kéo theo đó, doanh thu từ ngành du lịch cũng tăng nhanh, bình quân đạt 39,69%/năm.
 
Sự tăng trưởng của ngành CN – TTCN – XDCB trong những năm qua đã tác động đến khả năng phát triển kinh tế của huyện, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy huyện chúng tôi có tốc độ phát triển bình quân tương đối cao so với bình quân của tỉnh, nhưng do nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, quy mô nhỏ, xuất phát thấp nên chúng tôi tự nhận thấy, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Đô Lương cho tỉnh chưa cao, do đó đòi hỏi giai đoạn 2011 đến 2020 chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân chung là 11,83%, cần phải tập trung thu hút, đầu tư để phát triển mạnh ngành công nghiệp – TTCN, phấn đấu GTTT/người theo giá hàng hóa đến năm 2020 cao hơn của tỉnh 3%, ông Phúc khẳng định.
 
 
Những năm gần đây, Đô Lương được đánh giá là địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh và đồng đều, các lĩnh vực xã hội khác cũng tiến lên mạnh mẽ. Hoạt động văn hóa xã hội được giữ vững và có những chuyển biến đáng kể trên các lĩnh vực, tạo bước chuyển dịch đều cả tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đặc biệt, nhờ có sự quan tâm và chăm lo đúng mức của các cấp chính quyền nên công tác giáo dục ở các cấo được Sở GD&ĐT xếp loại xuất sắc trên tất cả mọi lĩnh vực trong nhiều năm liền.
Ngành giáo dục Đô Lương cũng được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc về chất lượng dạy và học. Kiên cố trường học được thực hiện tốt và xây dựng được nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia (Đến năm 2008 toàn huyện có 42 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 41,58% số trường). Qua tổng kết nhiều năm ở tỉnh, huyện Đô Lương cũng được đánh giá là một trong những trường có học sinh khác, giỏi nhiều nhất. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và đậu ĐH, CĐ hằng năm cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh… Mạng lưới Y tế từ huyện đến các xã cũng không ngừng được củng cố. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể thao, phát thanh & truyền hình đều được duy trì hoạt động có hiệu quả cao…
 
 
Trong thời gian tới, chúng tôi là sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng thế mạnh để phát triển nhanh, mạnh, bền vững, có sự phối hợp với các huyện xung quanh và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, TTCN và thương mại – dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng CN, TTCN, coi trọng phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường và củng cố an ninh – quốc phòng trên địa bàn. Phấn đấu đưa Đô Lương trở thành huyện có nền kinh tế mạnh của tỉnh, là một trung tâm kinh tế – xã hội ở phía Tây Nghệ An vào 2020…
TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI