Đường quốc gia ven biển: Tương lai của Miền Trung

16/09/2019 2637 2637

Dù chưa hoàn thiện, nhưng mỗi tuyến đường ven biển mà các địa phương miền Trung xây dựng giống như một phép màu, “hô biến” vùng đất từng nghèo khó, trở thành khu vực phát triển đầy năng động. Nhiều chuyên gia nhận định, đó sẽ là “tuyến đường kim cương” của miền Trung trong tương lai.

Tuyến đường khát vọng

Có một thời, dường như tất cả làng chài ở vùng Duyên hải miền Trung đều quay lưng lại với biển. Vì thế, bãi biển chỉ là nơi tập kết tàu thuyền, đầy rác; nơi của những rừng dương trải dài và cuộc sống của người dân bị bó hẹp trên những triền cát.

Lớn lên ở vùng cát Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải hiểu hơn ai hết về nỗi vất vả đó của người dân. Ông Thống bảo, người dân mong ước có một con đường để có thể bán được thêm sản vật biển, xóa nhòa khoảng cách với phố thị. “Con đường là mong ước, khát vọng của người dân vùng biển nơi đây”, ông Thống tâm sự.

Và rồi, con đường ven biển kéo dài từ Duy Xuyên qua Thăng Bình đến Tam Kỳ cũng được đầu tư xây dựng, cộng với việc cây cầu Cửa Đại hoàn thành, đã đưa vùng Đông tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh mẽ. Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định, tuyến đường không chỉ thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, mà còn trở thành thế mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư vào du lịch và các dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Nếu như trước đây, du lịch là điều gì đó xa vời ở vùng Đông do cách trở đường sá, đò ngang, thì bây giờ, khu vực này là nơi thu hút nhiều dự án du lịch nhất ở Quảng Nam. Tuyến đường được mở, lập tức các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã triển khai một loạt dự án tỷ USD. Tiêu biểu là Dự án Vinpearl Nam Hội An, Dự án Khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn VinaCapital... cùng nhiều dự án khác chuẩn bị triển khai...

Hiện, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện Dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai (có chiều dài 26,5 km) và Dự án Đường nối cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc. Hai dự án này vô cùng quan trọng, sẽ tiếp nối trục đường 129 - đường ven biển quốc gia từ dốc Diên Hồng (TP. Tam Kỳ) đi sân bay Chu Lai; nối cảng biển Tam Hiệp đến đường cao tốc. Hai tuyến đường này sẽ kết nối hoàn chỉnh giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An, Khu kinh tế mở Chu Lai đến sân bay Chu Lai và tiếp nối đến Dung Quất (Quảng Ngãi).

Không chỉ Quảng Nam, TP. Đà Nẵng cũng rất thành công khi mở tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyễn Giáp - Trường Sa. Tuyến đường ven biển dài 27 km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam này đã làm thay đổi bộ mặt của Đà Nẵng, đưa thành phố này trở địa chỉ du lịch nổi tiếng trên thế giới.

Từ đây, nhiều khu resort đẳng cấp quốc tế cùng với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng đã mọc lên trên tuyến đường, như Crowne Plaza Đà Nẵng, Furama Resort, Premier Village Đà Nẵng Resort… Rất nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới như InterContinental, Hyatt, Pullman, IHG, Four Points by Sheraton… đã xây dựng dự án tại tuyến đường ven biển. Giá trị bất động sản tại khu vực không ngừng tăng lên, bởi nhiều nhà đầu tư chỉ mong sở hữu một khu đất tại tuyến đường này để thực hiện dự án du lịch.

Các tỉnh miền Trung sở hữu tiềm năng lớn về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, tuy nhiên, lợi thế ấy chỉ được phát huy nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung đã bắt tay vào xây dựng tuyến đường ven biển chiến lược này.

Tại Bình Định, tuyến đường ven biển dài 107 km được đưa vào sử dụng vào năm 2005 với kinh phí đầu tư 246 tỷ đồng đã tạo nên sự đổi thay kỳ diệu cho những vùng đất này. Hàng loạt dự án du lịch ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) được hình thành. Hai bên đường, nhiều khách sạn mọc lên để phục vụ khách du lịch. Trong đó, có 2 dự án lớn là Quần thể du lịch lịch sử - sinh thái - tâm linh Linh Phong và Khu du lịch Trung Lương.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, năm 2010, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh chính thức khởi công xây dựng. Đây là tuyến đường chạy dọc biển, nối các đường ven biển của tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Dự án có tổng chiều dài 100 km, điểm đầu tại Dung Quất (thuộc huyện Bình Sơn), điểm cuối tại Sa Huỳnh (thuộc huyện Đức Phổ). Kể từ khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến Mỹ Khê - Trà Khúc đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế nhiều địa phương, thay đổi diện mạo đời sống hàng ngàn hộ dân vùng nông thôn - nơi tuyến đường đi qua.

Tương tự, các địa phương khác như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế hay Ninh Thuận cũng chú trọng đầu tư tuyến đường ven biển. Bởi khi hạ tầng giao thông thuận lợi, thì những thế mạnh về biển của miền Trung sẽ được phát huy, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.

Tương lai của miền Trung

Theo TS. Trần Du Lịch (Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung), ở khu vực miền Trung, đường giao thông chiến lược không phải Quốc lộ 1, mà là đường ven biển. “Đường ven biển mang cả ý nghĩa kinh tế, quốc phòng, hình thành “mặt tiền” của đất nước, kéo theo sự phát triển các khu đô thị, khu du lịch ven biển”, TS. Trần Du lịch nhận định.

Toàn tuyến đường ven biển miền Trung có tổng chiều dài 1.000 km, hiện các địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An,Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... đã và đang xây dựng; nhưng vẫn còn khoảng 500 km đường ven biển trên địa bàn chưa được đầu tư, kết nối liên hoàn. Đây là điểm nghẽn không nhỏ cho sự phát triển của miền Trung. Vì vậy, không ít lần, các tỉnh, thành phố Vùng duyên hải miền Trung đã đề xuất nhanh chóng kết nối tuyến đường ven biển.

Theo Quy hoạch chi tiết Tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/1/2010 và được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến ngày 31/12/2015, tuyến bắt đầu từ Quảng Ninh tới Kiên Giang, đi qua địa phận 28 tỉnh, trong đó có 14 tỉnh, thành phố miền Trung.

Trong cuộc họp về quy hoạch và tình hình thực hiện đầu tư tuyến đường bộ ven biển được tổ chức tháng 7/2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, tuyến đường ven biển được phân kỳ đầu tư, giai đoạn đến năm 2020 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 892 km; giai đoạn sau năm 2020 xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 1.058 km. Hiện tại, phần do Bộ GTVT đầu tư theo phân công nhiệm vụ đã hoàn thành khoảng 80,73% khối lượng yêu cầu, còn lại đã và đang chuẩn bị thi công. Tiến độ triển khai các đoạn tuyến đường ven biển theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu thông tuyến đường ven biển trước năm 2020 như quy hoạch được duyệt.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong việc cập nhật lại quy hoạch đường ven biển theo định kỳ 2 năm một lần, đảm bảo đầu tư xây dựng đường ven biển sát với thực tế, có điều chỉnh lại theo nhu cầu của từng địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, trong quá trình triển khai phải đặc biệt lưu ý: đoạn nào tận dụng được đường cũ là phải tận dụng, muốn nâng cấp, mở rộng để đảm bảo quy mô phải đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước; còn lại, đầu tư bằng BOT chỉ áp dụng trên những đoạn tuyến làm mới hoàn toàn, dứt khoát không được làm BOT trên đường hiện hữu.

Tuyến đường ven biển đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, điều đó chắc chắn sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Thực tế đó được minh chứng từ sự phát triển bùng nổ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển dọc các tuyến đường ven biển ở nhiều địa phương miền Trung hiện nay.

TIN TỨC KHÁC
YÊU CẦU GỌI LẠI