
Hà Tĩnh: Bất động sản “nóng” lên từ hiệu ứng sáp nhập hành chính và kỳ vọng quy hoạch
Nửa đầu 2025, Hà Tĩnh ghi nhận những biến động đáng chú ý của thị trường bất động sản, khi thông tin sáp nhập hành chính và kỳ vọng quy hoạch đô thị thổi bùng sức nóng tại các khu vực trung tâm và vùng ven mới lên đô thị.
Sáp nhập hành chính: “Cú hích” cho thị trường
Thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành sáp nhập 11 xã, phường của huyện Thạch Hà vào TP Hà Tĩnh để mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, bền vững.
Thông tin sáp nhập này ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường bất động sản khu vực. Những xã mới sáp nhập trở thành “điểm ngắm” của giới đầu tư, khi kỳ vọng vào việc chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị sẽ kéo theo hạ tầng được nâng cấp, tiện ích đồng bộ và giá trị đất gia tăng.
Những ngày qua, các buổi đấu giá của TP Hà Tĩnh thu hút sự quan tâm của hàng trăm hồ sơ tham gia. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, TP Hà Tĩnh đã đấu giá thành công nhiều lô đất "khủng", có lô vượt khởi điểm hơn 5,5 tỷ đồng. Trong đợt đấu giá quyền sử dụng đất vào tháng 5/2025, TP Hà Tĩnh đưa lên sàn 210 lô đất tại 9 vùng quy hoạch, thuộc các khu đất “vàng” của thành phố.
Theo báo cáo, giá đất tại xã Tân Lâm Hương (sát trung tâm TP Hà Tĩnh) đã tăng từ khoảng 2,3 lên 2,8 tỷ đồng/lô chỉ trong vòng ba tháng, tương đương mức tăng khoảng 22%. Tại một số vị trí khác như Hộ Độ hay Thạch Trung, mức tăng giá dao động từ 15 – 20%, kèm theo đó là lượng giao dịch cũng tăng mạnh. Nhiều sàn giao dịch bất động sản tại TP Hà Tĩnh cho biết lượng hồ sơ, tư vấn và giao dịch các lô đất thuộc vùng sáp nhập chiếm đến 60 – 70% tổng hoạt động thời gian gần đây.
Kỳ vọng quy hoạch: Định hình lại bản đồ đầu tư
Bên cạnh yếu tố hành chính, thị trường bất động sản Hà Tĩnh còn đang được thúc đẩy bởi những định hướng quy hoạch rõ ràng và có chiều sâu. Theo Quy hoạch thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ phát triển theo hướng “hai trục – ba đô thị – một hành lang ven biển”, lấy TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh làm trung tâm động lực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hành lang kinh tế ven biển.
TP Hà Tĩnh mở rộng địa giới sau khi nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã lân cận. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Đáng chú ý, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng không gian đô thị TP Hà Tĩnh về nhiều hướng: hình thành khu đô thị mới phía Nam thành phố; đồng thời quy hoạch các khu đô thị, dịch vụ ven biển dọc theo quốc lộ 8B, khu kinh tế Vũng Áng cũng được định hướng trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng, với các khu đô thị – dịch vụ hiện đại phục vụ chuyên gia và công nhân kỹ thuật cao. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp phía Tây TP Hà Tĩnh, với quy mô khoảng 200 ha, nằm trên địa bàn huyện Thạch Hà. Chủ trương này nhằm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và tạo động lực mới cho khu vực phía tây thành phố.
Với việc mở rộng đô thị về nhiều hướng, Hà Tĩnh đã và đang quy hoạch một cách bài bản theo mô hình vùng động lực, vùng vệ tinh và các hành lang kinh tế. Cấu trúc này rất thuận lợi để phát triển bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp trong cùng một hệ sinh thái phát triển bền vững. Về dài hạn, các chuyên gia đánh giá quy hoạch này sẽ mang lại lực hút với nhà đầu tư nội địa, đồng thời mở ra cơ hội cho dòng vốn ngoại.
Những quy hoạch bài bản, kết hợp cùng làn sóng đầu tư mới, đang khiến bản đồ bất động sản Hà Tĩnh được tái định hình, không chỉ quanh trung tâm thành phố mà còn mở rộng đến các khu vực từng bị “bỏ ngỏ”, nay trở thành vùng đất hứa cho nhà đầu tư nhạy bén.