Sôi động thị trường cho thuê và sang nhượng kiot chợ
Chiếm phần lớn thị phần trong kênh bán lẻ truyền thống, chợ truyền thống nắm giữ vai trò quan trọng trong phục vụ tiêu dùng thời hiện đại. Do vậy, giá cho thuê và sở hữu các vị trí kinh doanh tại chợ truyền thống cũng không hề rẻ, được ví như những “con gà đẻ trứng vàng”.
Tiềm năng phát triển chợ truyền thống
Ông Doãn Công Khánh - Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường và phát triển thương mại bền vững - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: “Một thành phố có nhiều loại hình kinh doanh khác nhau như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại..., song chợ vẫn có sức sống trường tồn”.
Thống kê năm 2018 của Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có 8.900 chợ, trong đó 50 chợ bán buôn, 7750 chợ bán lẻ, gần 1100 chợ bán buôn bán lẻ. Theo Quyết định 6481/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đưa ra kế hoạch cải tạo nâng cấp 19 chợ đầu mối tới năm 2025 và xây dựng mới 55 chợ đầu mối. Theo mục tiêu đến năm 2030, siêu thị chiếm khoảng 40% đồng nghĩa với việc chợ chiếm đến 60% hệ thống bán lẻ.
Dựa vào quy hoạch phát triển chợ của Nhà nước và thói quen tiêu dùng của phần lớn người Việt Nam cho thấy chợ truyền thống vẫn là kênh buôn bán chủ đạo và có một lộ trình phát triển song song với nền kinh tế của đất nước. Nhờ các yếu tố tiện lợi, gần nhà, đồ ăn tươi ngon, giá cả hợp lý, chợ truyền thống luôn tấp nập người mua và bán mỗi ngày, vào tất cả các tháng trong năm.
Mặt bằng chợ truyền thống có giá cao do gắn với văn hóa lâu bền của người Việt
Thực tế cho thấy mỗi địa phương từ nhỏ như phường, xã, đến quy mô lớn như thành phố, thị trấn, huyện, tỉnh đều sở hữu ít nhất 1 – 2 ngôi chợ và nhiều nhất đến khoảng vài chục ngôi chợ trên địa bàn. Mặc dù vậy nhưng lượng cung vẫn không đủ cầu: chủ sở hữu không mất nhiều công sức tìm kiếm nhưng vẫn tiếp cận được lượng khách hàng có nhu cầu thuê kiot kinh doanh rất lớn. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu đồng ý sang nhượng của những chủ nhân có kiot vị trí đắc địa, với giá thuê cả chục triệu mỗi tháng và giá bán lên đến vài tỷ đồng.
Cả “gia tài” đằng sau một kiot chợ
Với nhu cầu lớn từ thị trường, giá trị sinh lời cao từ việc cho thuê và bán lại, thanh khoản tốt, lộ trình phát triển rõ ràng, mỗi một kiot chợ trở thành khối tài sản khổng lồ của chủ sở hữu, đặc biệt tại những chợ lớn ở các tỉnh thành phát triển như TP HCM (chợ Bến Thành, An Đông), Hà Nội (chợ Ninh Hiệp), Đà Nẵng (chợ Hàn, chợ Cồn), Nghệ An (chợ Vinh)…
Khu vực chợ và chợ đêm Bến Thành (quận 1, TP.HCM) từ lâu đã được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đánh giá là nơi có giá thuê và sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới. Theo tìm hiểu, chi phí thuê mặt bằng tại đây đạt ngưỡng 30 - 50 triệu đồng mỗi tháng đối với các ki-ốt ở vị trí đẹp, các vị trí khác cũng có giá thuê lên đến 10 - 27 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chi phí sang nhượng một ki-ốt có diện tích 2 - 4 m2 khoảng 1,2 - 2,5 tỷ đồng. Một số ki-ốt nằm ở vị trí đắc địa còn được định giá 8 tỷ đồng nhưng theo chia sẻ của các tiểu thương ở đây thì “có tiền cũng chưa chắc người chủ đã đồng ý bán”.
Kiot chợ Bến Thành “có tiền chưa chắc đã mua được”
Tại chợ An Đông (Q.5), một kiot có diện tích 2,1 m2 nằm ở vị trí bên trong lòng chợ tại tầng 2 (khu vực bán áo quần) có giá tầm 700 triệu - 1 tỉ đồng. Còn tại chợ Tân Bình, giá cao nhất từng được ghi nhận là gần 3 tỉ đồng cho một kiot có diện tích gần 2m2, tính trung bình khoảng 1,5 tỉ đồng cho 1m2.
Không kém chợ Bến Thành, các kiot tại chợ Ninh Hiệp từ lâu cũng được biết đến với mức giá “giật mình” và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, một kiot kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp dù không phải ở vị trí trung tâm nhưng đã có giá bán lên đến hơn 70 tỷ VNĐ với diện tích 50m2. Riêng các vị trí trung tâm thì không định giá nổi và dù có “tìm mỏi mắt” cũng không tìm được ai có ý định bán.
Chợ đầu mối Ninh Hiệp – “Đại siêu thị quần áo, vải vóc lớn nhất Miền Bắc” có giá mỗi kiot cao gấp nhiều lần biệt thự hạng sang
Tại những địa phương đang phát triển như tỉnh Nghệ An, dù giá kiot có “mềm” hơn các thành phố lớn nhưng vẫn là một khoản đầu tư không hề nhỏ. Theo các tiểu thương tại chợ Vinh – chợ đầu mối của Nghệ An, một kiot tại chợ có giá thuê 20 triệu/tháng, trong khi nếu thuê mặt tiền kinh doanh tại những tuyến đường phụ cận như Lê Hồng Sơn, Trần Đăng Ninh, Lê Huân sẽ có giá thấp hơn, khoảng 10 – 15 triệu/tháng.
Theo dự báo từ các chuyên gia, chợ truyền thống tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Và đối với chủ sở hữu của các kiot kinh doanh đẹp tại các ngôi chợ lớn thì những kiot này chính là những khối tài sản khổng lồ, được nhiều người mong ước nhưng không phải ai cũng có cơ hội sở hữu.